image banner
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo ở Thái Nguyên
Trong giai đoạn 2021 – 2024, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Tiểu dự án 1 – Dự án 3) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, trong giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Tiểu dự án 1 – dự án 3) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Bước đầu, các dự án đều mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện thu nhập.

Anh-tin-bai

Gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh (hộ cận nghèo), xóm Hạ Vụ 1, xã Vạn Phái, TP. Phổ Yên được hỗ trợ bò giống trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Ông Triệu Văn Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, với nguồn vốn đã phân bổ, các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ cho 42 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể. năm 2022 triển khai 1 dự án, năm 2023 triển khai 40 dự án và dự kiến năm 2024 sẽ triển khai 25 - 30 dự án. Đến thời điểm tháng 6/2024 đã có 2 dự án được phê duyệt.

Trong số các dự án đã và sẽ triển khai có 26 dự án thuộc loại hình chăn nuôi, 11 dự án trồng trọt, 1 dự án liên kết theo chuỗi giá trị (đang chờ hội đồng thẩm định phê duyệt), 29 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, 11 dự án theo nhiệm vụ.

Tổng số hộ tham gia dự án là 1.609 hộ, trong đó hộ nghèo 753 hộ (chiếm 47,12%) hộ cận nghèo 689 hộ (chiếm 43,36%); hộ mới thoát nghèo 155 hộ (chiếm 9,4%), 12 hộ thuộc diện khác.

Thông qua việc triển khai các dự án đã giúp tạo thêm sinh kế cho người dân; kinh nghiệm quản lý, trình độ sản sản xuất từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chương trình chủ động tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp của từng địa phương; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo trên địa bàn...

Ngoài ra, còn giúp nâng cao hiệu quả, tính tích cực, chủ động về sự tham gia của người dân trong quản lý, thực hiện các dự án, cũng như chính sách giảm nghèo. Kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện dự án và sử dụng vật tư hỗ trợ của nhà nước từng bước được cải thiện, nâng cao.

Anh-tin-bai

Mô hình nuôi dê của hộ gia đình ông Âu Văn Toán, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương góp phần thiết thực tạo sinh kế

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao, vượt 0,65% kế hoạch huyện đề ra); toàn huyện giảm 209 hộ cận nghèo, hiện còn 790 hộ, bằng 2,88%. Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đơn cử như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, huyện Phú Lương đã triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ 74 hộ. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở 5 xã (Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương) đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế cho người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. 

Đối với TP. Phổ Yên, năm 2023 tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là trên 5,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí năm 2023 là trên 4,6 tỷ đồng và kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là trên 1 tỷ đồng. Năm 2024, Phổ Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố 0,3% trở lên so với năm 2023; phấn đấu 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng được hỗ trợ nâng cao mức sống và cơ bản thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 7 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Trên cơ sở rà soát điều kiện phát triển kinh tế, tập quán canh tác, tỷ lệ hộ nghèo, năm 2024, UBND TP. Phổ Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiền điện, trợ giúp pháp lý… nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh; tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của kế hoạch và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...

 

                                                                                                                                                          

 

Nguồn bài viết: Cục Chăn nuôi
image advertisement image advertisement image advertisement image advertisement image advertisement
image advertisement image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1