Xây dựng các mô hình trình diễn giúp người chăn nuôi gà đồi Yên Thế nắm được các tiến bộ kỹ thuật là mục tiêu mà khuyến nông Bắc Giang hướng đến.
Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cho biết nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 quốc gia Trung Quốc, Singapore, Lào. Ảnh: Quang Dũng.
Gà đồi không chỉ là sản phẩm chủ lực của riêng huyện Yên Thế mà đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Bắc Giang, phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời tạo việc làm cho người dân tỉnh Bắc Giang thoát nghèo.
Nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đã góp phần đưa gà đồi Yên Thế thành sản phẩm chăn nuôi chủ lực của địa phương.
Chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện Yên Thế đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước tiến lên chuyên nghiệp và đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa trong giai đoạn hội nhập.
Hiện gà đồi Yên Thế đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La...
Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang đánh giá, gà đồi Yên Thế có được những thành tựu như hiện nay là nhờ sự đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của bà con nông dân.
Đồng thời, đội ngũ khuyến nông từ trung ương đến cơ sở cũng có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình và giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm… Ở khâu nào lực lượng khuyến nông cũng đều có mặt và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Ông Vinh cho hay, thời gian qua, khuyến nông Bắc Giang thông qua các dự án khuyến nông trung ương đã phối hợp với Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) để cung cấp giống cho địa bàn Yên Thế nhằm góp phần chuẩn hóa gà giống Yên Thế.
Khuyến nông Bắc Giang cũng đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho một số chủ trang trại thăm quan, học tập kinh nghiệm về thụ tinh nhân tạo cho gà, góp phần nhân giống và lai cải tạo giống gà địa phương. Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm nói chung và gà đồi Yên Thế nói riêng cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và hướng dẫn các chủ trang trại xây dựng hình ảnh con gà của mình lên sàn thương mại điện tử nhằm giúp việc tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế tốt hơn. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, khuyến nông cũng đã tham gia vào việc giám sát dịch bệnh, hướng dẫn tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm…
Ông Vinh chia sẻ, sản phẩm gà đồi Yên Thế đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng cả nước và từng bước lan tỏa ra các thị trường quốc tế. Nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Singapore và Lào.
Gà đồi không chỉ là sản phẩm chủ lực của huyện Yên Thế mà đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Dũng.
Thời gian tới, để duy trì và phát triển đàn gà của huyện Yên Thế cũng như giúp gà đồi Yên Thế có thể xuất khẩu đi các nước, ông Vinh cho biết khuyến nông địa phương với nhiệm vụ, vai trò của mình sẽ tiếp tục đồng hành thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo, xây dựng các mô hình trình diễn... để giúp bà con nắm được các tiến bộ kỹ thuật mới.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, mô hình sản xuất an toàn sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với vấn đề gắn tem truy xuất nguồn gốc, ông Vinh cho rằng, trên chiếc tem này, khi truy xuất trên phần mềm không chỉ dừng lại ở mức độ chỉ có thể thấy được tên chủ hộ sản xuất, tên hợp tác xã tiêu thụ mà còn cần phải thể hiện được thông tin về quá trình nuôi con gà đó như thế nào, nuôi ra sao...
"Làm được điều này, người tiêu dùng mới cảm thấy yên tâm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ của con gà, từ đó giúp người chăn nuôi nâng cao được giá trị cũng như hiệu quả kinh tế khi phát triển gà đồi Yên Thế", ông Vinh nhấn mạnh.
Quang Dũng