image banner
Nâng cao năng lực phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả
Triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Cộng hòa Ireland, ngày 24/7, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Cộng hòa Ireland tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả” tại thành phố Cần Thơ.
   Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả” tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 24/7.

Đây là hoạt động triển khai các nội dung quan trọng liên quan lĩnh vực nông nghiệp hai nước trong khuôn khổ Bản ghi nhớ (MoU) được hai bên thống nhất ký vào tháng 3/2023. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, những hoạt động liên quan được nêu trong MoU, cụ thể như: Đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia và nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về nông nghiệp, phát triển nông thôn ở mỗi nước.

Tới dự hội thảo, ngoài đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Cộng hòa Ireland, các chuyên gia đến từ Ireland, cán bộ Cục Chăn nuôi, còn có sự hiện diện của ông Conor Finn - Phó Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam.

Anh-tin-bai
               PGS, TS Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Chăn nuôi đánh giá, đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi của Việt Nam đã và đang đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, sự phát triển kinh tế đất nước và bảo đảm an sinh xã hội.

Thực tế, từ một đất nước sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mặc dù hạn chế về diện tích đất đai, dân số đông, nhưng đến nay Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa được thế giới biết đến về năng lực sản xuất nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Năm 2023, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị một số khu vực trên thế giới,… nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7% so năm 2022. Để phục vụ chăn nuôi, hàng năm Việt Nam sản xuất hơn 20 triệu tấn thức ăn các loại. Đặc biệt, ngoài phục vụ chăn nuôi trong nước còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Giá trị ngành chăn nuôi đóng góp 26% giá trị GDP ngành nông nghiệp và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 3,83% để tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam.

Theo PGS, TS Phạm Kim Đăng, thành tựu, vai trò của ngành chăn nuôi đã được xã hội, Chính phủ ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian qua là chưa thật sự bền vững, và vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức như: dịch bệnh diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, khả năng cạnh tranh thấp khi thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết... Xuất phát từ thực tế đó, những năm qua ngành chăn nuôi đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách định hướng phát triển chăn nuôi bền vững. Với cách tiếp cận hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện thực tế, đặc thù của Việt Nam, đến nay có thể khẳng định, thể chế chính sách khá hoàn thiện là thời điểm thuận lợi để ngành chuyển đối. Và nếu tất cả các địa phương và người chăn nuôi nhận thức đầy đủ, thực hiện theo đúng định hướng chiến lược, ngành chăn nuôi sẽ hoạt động hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Về thực trạng chăn nuôi an toàn sinh học, PGS, TS Phạm Kim Đăng chỉ rõ, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi cần tuân thủ theo nguyên tắc chung, tuy nhiên do đặc thù của ngành chăn nuôi tại Việt Nam có sự xen kẽ giữa cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi khá lớn, cho nên việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học cần giải quyết được tính đặc thù. Đây là một thách thức đặt ra cho ngành chăn nuôi. Trên thực tế, vấn đề xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh đã được đưa vào Luật Chăn nuôi năm 2018, nghị định, thông tư hướng dẫn luật, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đặc biệt, Việt Nam đã tiến hành xây dựng ban hành Hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và đang xây dựng Quyết định hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường cho cơ sở chăn nuôi theo hướng hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.

Anh-tin-bai

Ông Conor Finn - Phó đại sứ Cộng hòa Ireland, phát biểu tại hội thảo.

Vì vậy, theo PGS,TS Phạm Kim Đăng, nội dung hội thảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch và chiến lược chăn nuôi Việt Nam. Thông qua hội thảo này, các chuyên gia đến từ Ireland cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế nói chung và kinh nghiệm của Ireland nói riêng không chỉ cho đại biểu tham gia hội thảo mà còn giúp ngành chăn nuôi tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực hiệu quả nhất.

Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 26/7.

image advertisement image advertisement image advertisement image advertisement image advertisement
image advertisement image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1