QUẢNG NAMPhải bán đi cặp nhẫn cưới do kinh doanh thua lỗ, vợ chồng anh Lâm Phụng Điệp vẫn quyết khởi nghiệp nuôi gà đẻ trứng "nhân đạo" bán cho khách sạn.
Việc chuyển hướng đã giúp vợ chồng anh Điệp gặt hái quả ngọt. Từ tay trắng, họ vay mượn xây dựng trang trại gà, được tổ chức Certified Humane của Mỹ cấp chứng nhận "chăn nuôi nhân đạo" - mô hình nuôi gà không lồng chuồng, được tự do di chuyển và thể hiện tập tính tự nhiên của loài. Đến nay họ làm chủ trang trại nuôi gần 4.000 con gà, mỗi ngày thu 3.000 trứng bán cho các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, anh Điệp, 34 tuổi, cho biết sinh ra trong gia đình buôn bán vật liệu xây dựng ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình. Năm 2014, tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, anh làm quản lý cho một doanh nghiệp ở Đà Nẵng và kết hôn với chị Võ Thị Kim Oanh, nhân viên kiểm định chất lượng sản phẩm.
Vợ chồng thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng, tạm đủ sống, nhưng anh Điệp cảm thấy công việc gò bó, sáng rời nhà 7h đến 17h kết thúc, nhiều hôm họp hành đến 20h mới về. Họ bàn nhau về vùng cát trắng Bình Phục thuê đất khởi nghiệp, bất chấp sự phản đối của bố mẹ hai bên.
Tích góp vài chục triệu đồng, vợ chồng trẻ thử sức nuôi dúi, rồi trồng rau thủy canh. Tuy nhiên, dúi nuôi chết gần hết, những con sống sót thì không sinh sản. Rau thủy canh tiêu thụ khó nên vợ chồng thành tay trắng. "Học hỏi trên mạng thấy dễ, nhưng bắt tay thực hiện khó vô cùng", anh Điệp kể.
Nhận thấy buôn bán thức ăn gia cầm đem lại lợi nhuận, năm 2016 vợ chồng anh vay hơn một tỷ đồng cung cấp thức ăn cho hàng chục người nuôi vịt ở địa phương. Anh chở cám bán với giao ước tiền được thanh toán khi xuất bán vịt. Cuối 2017 dịch cúm gia cầm bùng phát, vịt chết hàng loạt khiến người chăn nuôi thua lỗ. Vợ chồng anh không thể thu hồi vốn, hàng ngày bị doanh nghiệp cung cấp thức ăn đòi nợ một tỷ đồng.
Họ đã phải vay mượn khắp nơi để trả hết số nợ. "Tài sản cuối cùng là đôi nhẫn cưới vợ chồng cũng phải bán. Bố mẹ khuyên chúng tôi đi làm công nhân kiếm tiền nuôi hai con, vì càng khởi nghiệp càng lỗ", chị Oanh kể.
Ổ đẻ cho gà được làm gỗ, lót trấu. Ảnh: Đắc Thành
Sau ba lần khởi nghiệp thất bại, vợ chồng anh Điệp vẫn không nản chí. Biết mô hình nuôi gà ác ở miền Tây lấy trứng và bán thịt, anh thành lập Hợp tác xã Thanh niên Bình Phục với 9 thành viên, huy động gần 100 triệu đồng. Hơn 1.300 gà ác được nhập về nuôi thử nghiệm, nhưng sau một tháng còn 300 con sống sót.
Rút ra bài học nhập gà vài ngày tuổi sức đề kháng kém, nuôi ở miền Trung khí hậu khác biệt dẫn đến chết, anh Điệp chuyển qua mua gà hai tuần tuổi, tỷ lệ sống cao. Trứng gà đẻ ra, anh nhân giống. Với gà đẻ, cứ sau khoảng 4-5 tháng là bắt đầu cho trứng. Anh nuôi thêm gà ác thịt dùng hầm thuốc bắc, hạt sen. Việc kinh doanh bắt đầu có lãi.
Biết xu hướng khách sạn, khu nghỉ dưỡng hướng tới sử dụng trứng "nhân đạo" (cage-free), anh Điệp lại chuyển hướng đầu tư. "Tại miền Trung mới có một người ở Bình Thuận được cấp chứng nhận nuôi gà nhân đạo, đây là lợi thế. Vì Quảng Nam, Đà Nẵng có rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, tiêu thụ trứng gà số lượng lớn", anh giải thích.
Vừa nuôi gà ác, anh vừa tìm hiểu nuôi gà "nhân đạo" đẻ trứng. Thông qua tổ chức Certified Humane và được chuyên gia hướng dẫn, anh bắt đầu xây dựng trang trại. Hơn hai năm học hỏi, tháng 8/2023 anh đầu tư gần một tỷ đồng thuê 2.000 m2 xây dựng trang trại 600 m2 nuôi 4.000 con gà thả rông lấy trứng. Mô hình nuôi gà ác bán thịt anh dần loại bỏ "vì thấy sát sinh".
Theo anh Điệp, để nuôi gà "nhân đạo", trang trại phải tăng vốn đầu từ hơn 30% so với nuôi công nghiệp. Số lượng máng nước, bồn chứa thức ăn phải đáp ứng quy chuẩn của Certified Humane. Thức ăn lúc nào cũng để gà tiếp cận tự do. "Ổ đẻ thì phải làm từng ô, dựng sào cho chúng đậu. Diện tích chăn nuôi phải đảm bảo để gia cầm thoải mái chạy nhảy, có hệ thống làm mát, nước uống đạt tiêu chuẩn", anh nói.
Trang trại dựng nhiều cây sào để cho gà đậu. Ảnh: Đắc Thành
Tháng 7/2024, anh Điệp được Certified Humane cấp giấy chứng nhận. Có được "bảo bối" này, trứng gà trang trại rộng cửa vào khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Sáng mỗi ngày anh lái xe tải chở trứng đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Chiều vợ chồng đến trang trại thu trứng, rửa sạch đóng gói để hôm sau xuất bán. Công việc tại trang trại, anh thuê người đảm nhận. Doanh thu một tháng của trang trại 350 triệu đồng, trừ chi phí lãi 40-50 triệu đồng.
Sản phẩm trứng gà "nhân đạo" của vợ chồng anh Điệp đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2023. "Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chuyển sang dùng trứng gà nhân đạo nên cần số lượng lớn. Để đáp ứng nhu cầu tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng sản lượng trong tương lai", anh Điệp nói.
Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình Đoàn Thiện Ngọc Vũ đánh giá vợ chồng anh Điệp nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng của thị trường. Từ khi khởi nghiệp gà ác, anh đã bán trứng cho nhiều khu nghỉ dưỡng. Chớp thời cơ các khu nghỉ dưỡng chuyển qua sử dụng trứng gà nhân đạo, vợ chồng Điệp đi trước một bước. "Anh Điệp là gương sáng thanh niên về quê khởi nghiệp", anh Vũ nói.
Đắc Thành