Lãnh đạo Bộ NN-PTNT coi câu chuyện thành công của Hàn Quốc là niềm cảm hứng, tin tưởng kết quả đó do Chính phủ Hàn Quốc tập trung đầu tư giáo dục và khoa học công nghệ.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đóng vai trò đầu mối quan trọng. Các nghiên cứu về hành trình nước bạn phát triển thị trường sẽ là bài học quan trọng cho Bộ NN-PTNT hoạch định các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế”.
Điển hình, nhân sâm Hàn Quốc vốn là thứ thuốc bổ truyền thống, quý hiếm. Nhờ tiếp cận từ nhu cầu thị trường, các nhà khoa học và doanh nghiệp nước bạn đã phát triển nhân sâm, tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng.
Bên cạnh sâm tươi, sâm sấy khô, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chế biến sâm thành các sản phẩm dạng túi, dạng cao cô đặc, sâm thái lát thường, dạng bột, dạng viên nang… và kể cả những viên kẹo, mang lại giá trị gia tăng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất nhân sâm còn liên kết với doanh nghiệp du lịch, tổ chức tour tham quan cơ sở trồng trọt, chế biến nhân sâm. Theo đó, gần như 100% khách du lịch tới Hàn Quốc đều ghé thăm vườn trồng, cửa hàng bán sâm. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, đây chính là cách làm tích hợp đa giá trị, nhấn mạnh tư duy kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phát huy vai trò cầu nối, tích cực học hỏi nước bạn, góp phần phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.
Trong giai đoạn 2010-2022, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với nhiều dự án hợp tác kỹ thuật hết sức ý nghĩa và mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân và cộng đồng tại Việt Nam, bao gồm các dự án về chuyển giao công nghệ, cải thiện giống cây trồng, tăng hiệu quả năng suất và chuỗi giá trị. Đặc biệt, dự án về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bao gồm chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.
Dựa trên nền tảng hợp tác song phương, người đứng đầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan của Bộ sớm triển khai Đề án mở cửa thị trường Hàn Quốc đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Cũng trong buổi chiều 26/12, đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với ông Han Geuk Seo, Phó chủ tịch trường Đại học Konkuk – đơn vị có cơ sở hạ tầng đào tạo hàng đầu về đào tạo nhân lực ngành chăn nuôi tại Hàn Quốc.
Ngôi trường Konkuk nổi tiếng với truyền thống lâu đời về kinh tế nông nghiệp, tiếp thị thực phẩm với đội ngũ các thầy, cô nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm và hết lòng gắn bó vì sự phát triển. Chương trình đào tạo đã giúp nhiều thế hệ sinh viên nắm được nền tảng vững chắc về lý thuyết kinh tế, kinh doanh, phân tích định lượng… Sau khi ra trường, phần lớn sinh viên tìm được việc làm phù hợp trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Tháng 10/2023, Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi Việt Nam”, do Đại học Konkuk phối hợp triển khai, chính thức khởi động. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại, có tổng kinh phí hơn 13 triệu USD, kéo dài đến năm 2030.
Theo đó, chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện toàn diện thể chế giáo dục trong ngành chăn nuôi. Để đào tạo đội ngũ chất lượng cao, dự án sẽ nghiên cứu, tinh chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách đào tạo nhân lực; tăng cường năng lực cho giảng viên và các tổ chức liên quan; cải thiện môi trường tìm kiếm việc làm, môi trường khởi nghiệp cho sinh viên. Nhìn xa hơn, Đại học Konkuk cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đồng thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo Chăn nuôi Việt Nam – Hàn Quốc.
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao vai trò của Đại học Konkuk đối với ngành nông nghiệp thế giới. “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi có dạy: Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trên tinh thần đó, tôi mong muốn quý trường tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, không chỉ nhân lực khoa học, kỹ thuật mà cả khoa học quản lý và kiến thức khởi nghiệp – vốn là hoạt động có thế mạnh ở Đại học Konkuk”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.